Những sai lầm thường xuất hiện trong quá trình làm việc nhóm

Mắc phải những sai lầm trong quá trình làm việc nhóm có thể dẫn đến kết quả không như ý hoặc thất bại ngay từ lần hợp tác đầu tiên.

Làm việc nhóm là một trong những yêu cầu quan trọng cho dù bạn đang đi học hay đã đi làm cũng cần trang bị cho bản thân. Ngoài những kỹ năng cần thiết nhằm phát huy tối đa hiệu quả quá trình làm việc thì những sai lầm trong làm việc nhóm khiến hiệu quả đi xuống cũng là điều mà bạn nên biết để cải thiện một cách tốt nhất.

Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra những sai lầm thường xuất hiện trong quá trình làm việc nhóm mà bạn có thể tham khảo cho bản thân cũng như nhóm làm việc của mình.

Làm việc nhóm là gì?

Trước khi tìm hiểu những sai lầm phổ biến trong quá trình làm việc nhóm, chúng ta sẽ đi tìm hiểu khái niệm làm việc nhóm là gì? Bởi vì chỉ khi bạn nắm vững được bản chất thực sự của làm việc nhóm, bạn mới có thể tìm ra phương pháp thực hiện một cách hiệu quả nhất, cũng như hạn chế những sai lầm có thể mắc phải.

Làm việc nhóm chính là tập hợp nhiều người cùng làm việc với nhau. Họ làm việc nhằm hoàn thành một mục tiêu chung với sự phân công công việc rõ ràng. Trong quá trình làm việc, tất cả các thành viên sẽ tương tác, hỗ trợ lẫn nhau nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra ban đầu.

Một nhóm người không thể được xem là làm việc nhóm khi không có sự phân công công việc đồng đều cho mỗi thành viên hoặc chỉ có một thành viên đảm nhận tất cả các công việc. Và trường hợp này khá phổ biến đối với các bạn học sinh, sinh viên hiện nay.

Những sai lầm phổ biến trong quá trình làm việc nhóm

Sau khi đã tìm hiểu làm việc nhóm là gì, chắc hẳn bạn đã có được cho mình cái nhìn tổng quát về khái niệm này. Và để quá trình làm việc nhóm đạt hiệu quả cao, nhóm của bạn cần tránh được những sai lầm phổ biến sau:

  1. Xây dựng nhóm không dựa trên sự tương thích lẫn nhau

Chắc hẳn khi xây dựng nhóm, ai cũng mong muốn các thành viên của mình là người giỏi nhất. Tuy nhiên, sai lầm ở đây chính là các bạn chỉ quan tâm đến chất lượng và quên mất yếu tố các thành viên có tương thích, hòa hợp với nhau hay không.

Như bạn đã biết, mỗi thành viên là một cá thể với tính cách riêng biệt. Có thể với người này họ cực kỳ ăn ý nhưng với người kia lại xung đột với nhau. Vậy nên, thay vì lựa chọn những người có kỹ năng, trình độ tốt thì bạn hãy lựa chọn những người có thể hiểu nhau, hợp tác ăn ý với nhau. Đây mới chính là động lực, đòn bẩy giúp nhóm của bạn phát triển bền vững.

  • Không chú trọng đến việc lập mục tiêu ngay từ đầu

Nếu nhóm bạn không xác định mục tiêu ngay từ đầu, mỗi thành viên trong nhóm sẽ tự đưa ra một mục tiêu riêng cho mình và như thế, nhóm không thể nào đạt được kết quả như ý. Khi có mục tiêu chung, mỗi thành viên sẽ biết mình nên làm gì, cần làm gì để đạt được mục tiêu đã đề ra.

  • Thất bại trong việc truyền tải và nắm bắt thông tin

Một nhóm muốn hoạt động tốt cũng như duy trì lâu dài cần đảm bảo mỗi thành viên đều nắm bắt được chính xác, nhanh chóng các thông tin đưa ra. Nếu không, việc sai lệch hay chậm trễ đều có thể dẫn đến sai sót, khiến mục tiêu không được hoàn thành. Ngoài ra, mỗi thành viên trong nhóm cũng cần có tiếng nói, được đóng góp một cách thoải mái và công bằng. Như vậy mới đảm bảo nhóm hoạt động lâu dài mà ít xảy ra tranh cãi, bất đồng với nhau.

  • Đặt cái tôi quá cao khi làm việc nhóm

Khi đã làm việc nhóm, bạn cần phải dung hòa cái tôi của mình và cái tôi của mọi người. Bạn không thể bắt buộc mọi người phải nghe theo ý kiến của mình mà hãy bày tỏ ý kiến bản thân và cùng mọi người lựa chọn hướng đi phù hợp nhất cho cả nhóm. Đảm bảo quyền lợi của nhóm cũng chính là cách giúp bạn đảm bảo quyền lợi cho bản thân của mình.

  • Sự xuất hiện của thành viên thờ ơ, thụ động

Bên cạnh những cá nhân luôn muốn là trung tâm của sự chú ý thì cũng có những cá nhân luôn thờ ơ, thụ động với mọi quyết định. Họ luôn là người không đưa ra ý kiến đóng góp hay niềm đam mê với công việc, nếu được phân công thì thực hiện và nếu không cũng chả sao. Chính những nhân tố này sẽ kéo kết quả làm việc của nhóm đi xuống. Nếu trong trường hợp này, các thành viên còn lại cũng như nhóm trưởng hãy thường xuyên quan tâm, đặt câu hỏi và yêu cầu đưa ra ý kiến. Cố gắng giúp họ tìm thấy niềm đam mê cũng như sự nhiệt huyết của các thành viên còn lại. Nếu không, có lẽ tìm kiếm sự thay thế trong trường hợp này là lựa chọn đúng đắn nhất cho sự thành công của nhóm.

Làm việc nhóm là sự chung tay, góp sức của mỗi thành viên nhằm đạt được mục tiêu chung đã đề ra. Ngoài việc cố gắng hết mình để hoàn thành nhiệm vụ của bản thân, mỗi thành viên trong nhóm cũng cần khắc phục những nhược điểm, những thiếu sót nhằm nâng cao hiệu quả công việc của cả nhóm.